Giới thiệu chung
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm mãn tính có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể bạn chứ không chỉ là tổn thương ở khớp. Ở một số người bệnh, tổn thương có tính chất hệ thống, gây ra các biểu hiện bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Là một bệnh rối loạn tự miễn dịch, viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mô của chính cơ thể bạn.
Tổn thương ở khớp trong viêm khớp dạng thấp ban đầu xuất hiện ở màng hoạt dịch khớp, gây sưng đau. Về sau tổn thương phát triển, lan rộng, dẫn đến bào mòn xương và biến dạng khớp. Tình trạng viêm do viêm khớp dạng thấp còn có thể gây tổn thương cho các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm da, mắt, phổi, tim và mạch máu… Mặc dù có nhiều loại thuốc mới giúp cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị, những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp không được điều trị sớm và đúng hoặc viêm khớp dạng thấp nặng vẫn có thể bị di chứng và tàn phế.
Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm:
– Sưng, nóng, phù nề tại khớp
– Cứng khớp (khó cử động khớp) thường nặng hơn vào buổi sáng và sau khi không hoạt động
– Mệt mỏi, sốt và chán ăn
Viêm khớp dạng thấp sớm có xu hướng ảnh hưởng đến các khớp nhỏ hơn đầu tiên, đặc biệt là các khớp bàn ngón tay và bàn ngón chân.
Khi bệnh tiến triển, tình trạng viêm sẽ xuất hiện thêm ở các khớp cổ tay, khớp gối, mắt cá chân, khuỷu tay, háng và vai. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng viêm thường biểu hiện ở cùng một khớp ở cả hai bên cơ thể.
Khoảng 40% số người bị viêm khớp dạng thấp cũng gặp các dấu hiệu và triệu chứng bên ngoài khớp. Các bộ phận có thể bị ảnh hưởng bao gồm: da, mắt, phổi, trái, tim, thận, tuyến nước bọt, thần kinh, tủy xương, mạch máu…
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng ở mỗi người bệnh và có thể tăng lên hoặc giảm bớt. Các giai đoạn bệnh tăng lên được gọi là các đợt bùng phát, xen kẽ với các giai đoạn thuyên giảm – khi tình trạng sưng và đau giảm bớt hoặc hết. Theo thời gian, viêm khớp dạng thấp có thể khiến khớp bị biến dạng, lệch trục.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Hãy hẹn gặp và đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn cảm thấy khó chịu và sưng đau kéo dài, dai dẳng ở các khớp.
Nguyên nhân
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Thông thường, hệ thống miễn dịch của bạn giúp bảo vệ cơ thể bạn khỏi bị nhiễm trùng và bệnh tật. Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch của bạn tấn công các mô, bộ phận khỏe mạnh của khớp. Bệnh cũng có thể gây ra các vấn đề về tim, phổi, dây thần kinh, mắt và da của bạn.
Nguyên nhân cụ thể, chính xác gây bệnh chưa được biết rõ mặc dù có thể có những bằng chứng liên quan đến yếu tố di truyền. Mặc dù gen của bạn không thực sự gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng chúng có thể khiến bạn dễ phản ứng hơn với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiễm một số loại virus và vi khuẩn có thể gây ra bệnh.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:
– Giới tính của bạn: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn nam giới.
– Tuổi: Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường bắt đầu ở tuổi trung niên.
– Tiền sử gia đình: Nếu một thành viên trong gia đình bạn bị viêm khớp dạng thấp, bạn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp, đặc biệt nếu bạn có cơ địa di truyền dễ mắc bệnh. Hút thuốc được thấy cũng có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh.
– Thừa cân: Những người thừa cân thường có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn một chút.
Biến chứng
Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ xuất hiện một số tình trạng bệnh:
– Loãng xương: Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp, cùng với một số loại thuốc dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, là một bệnh làm xương yếu đi và dễ bị gãy hơn.
– Các hạt (nốt) thấp: Những mô cứng này thường hình thành xung quanh các điểm chịu áp lực, gần các khớp chẳng hạn như khuỷu tay. Tuy nhiên, những nốt này có thể hình thành ở bất cứ đâu trong cơ thể, bao gồm cả tim và phổi.
– Khô mắt và miệng: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nhiều khả năng mắc hội chứng Sjogren, một chứng bệnh gây rối loạn làm khô mắt và miệng.
– Nhiễm trùng: Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và nhiều loại thuốc dùng để chữa bệnh này có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Việc tiêm chủng có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh như cúm, viêm phổi, bệnh zona và COVID-19.
– Thành phần cơ thể bất thường. Tỷ lệ mỡ trên khối lượng cơ thường cao hơn ở những người bị viêm khớp dạng thấp, ngay cả ở những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường.
– Hội chứng đường hầm (ống) cổ tay: Nếu viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến cổ tay của bạn, tình trạng viêm có thể chèn ép dây thần kinh chi phối hầu hết bàn tay và ngón tay của bạn, gây ra các triệu chứng thần kinh.
– Tim mạch: Viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ xơ cứng và tắc nghẽn động mạch, cũng như viêm màng tim.
– Bệnh phổi: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ viêm và sẹo mô phổi cao hơn, điều này có thể dẫn đến tình trạng khó thở tiến triển. – Ung thư hạch: Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ ung thư hạch, một nhóm bệnh ung thư máu phát triển trong hệ thống bạch huyết.