Loãng xương là bệnh lý gây giảm mật độ xương và thay đổi cấu trúc của xương làm cho xương bị yếu, giòn và dễ gãy. Hậu quả của loãng xương là tăng nguy cơ gãy xương hoặc gãy xương thực sự dẫn đến các biến chứng và tử vong.
Về cơ bản, loãng xương được phân làm hai loại: Loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. Loãng xương nguyên phát lại được chia làm hai loại, loãng xương loại 1 (típ 1) hay còn gọi là xoãng xương sau mãn kinh, gặp ở phụ nữ sau khi mãn kinh, thường từ 5 năm trở lên sau khi mãn kinh và loãng xương loại 2 (típ 2) hay còn gọi loãng xương tuổi già, gặp cả ở nam và nữ trên 70 tuổi.
Loãng xương thứ phát là loãng xương do một hoặc nhiều nguyên nhân được xác định gây ra ví dụ như loãng xương do sử dụng glucocorticoid, loãng xương do hậu quả của các bệnh cơ xương khớp ví dụ như viêm cột sống dính khớp, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…. gây ra.
Tiệu chứng của loãng xương có thể thay đổi ở mỗi người bệnh. Biểu hiện thường gặp là đau vùng cột sống lưng, thắt lưng, xuất hiện khi vận động, lao động, tập luyện. Đau cũng có thể xuất hiện và kéo dài sau các sang chấn nhẹ mà bình thường không gây ra đau hoặc gãy xương. Đau xuất hiện ở người có nguy cơ loãng xương sau các chấn thương nhẹ thì thường là đã có gãy xương. Ngoài ra giảm chiều cao và thay đổi hình dạng của cột sống cũng là các biểu hiện của loãng xương nhưng thường là ở giai đoạn muộn, khi đã có gãy xương.
Phần lớn các trường hợp loãng xương diễn biến thầm lặng, không có biểu hiện triệu chứng gì và thường chỉ được phát hiện sau khi đã có biến chứng gãy xương. Do đó, những người có nguy cơ cao bị loãng xương như phụ nữ sau mãn kinh, những người 50 tuổi trở lên có các yếu tố nguy cơ gây loãng xương (sử dụng các thuốc gây loãng xương, mắc các bệnh cơ xương khớp mạn tính, bệnh nội tiết…) thì nên đi khám sàng lọc định kỳ để phát hiện và điều trị loãng xương từ giai đoạn sớm, chưa có các biến chứng gãy xương.
Khi một người nghi ngờ mình bị loãng xương, người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, là bác sĩ chuyên điều các bệnh về cơ xương khớp trong đó có bệnh loãng xương, để được tư vấn và điều trị đầy đủ. Cán bộ y tế không có chuyên môn về bệnh học và điều trị loãng xương thì không có khả năng chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp, hiệu quả bệnh loãng xương, có thể nhầm bệnh loãng xương với nhiều bệnh lý khác có triệu chứng tương tự nhưng có cách điều trị hoàn toàn khác.
Điều trị loãng xương cần được sử dụng đồng thời canxi, vitamin D và thuốc chống loãng xương với liều lượng đầy đủ và thời gian kéo dài. Tuy nhiên, điều trị cụ thể thuốc gì, liều lượng bao nhiêu, kéo dài bao lâu là tùy thuộc vào tình trạng bệnh và điều kiện cụ thể của mỗi bệnh nhân, và chỉ được xác định sau khi người thầy thuốc thăm khám trực tiếp, chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết nếu có và đánh giá tổng thể trên mỗi người bệnh cụ thể. Liệu trình điều trị loãng xương cần liên tục, kéo dài, một số trường hợp có thể lên tới 5 đến 10 năm, thì mới mang lại hiệu quả ngăn ngừa gẫy xương và biến chứng nghiêm trọng do loãng xương gây ra một cách tốt nhất.