Các bệnh cơ xương khớp, còn có thể được gọi là các bệnh thấp khớp (tên tiếng Anh là: rheumatic and musculoskeletal diseases – RMDs) là các bệnh hệ thống mãn tính, thường ảnh hưởng đến khớp nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào của cơ thể. Có hơn 200 bệnh cơ xương khớp có thể ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn. Các bệnh cơ xương khớp chiếm khoảng 60% tổng số các vấn đề sức khỏe tại nơi làm việc, và trong cuộc sống hàng ngày. Những người mắc bệnh cơ xương khớp khó tiếp cận và duy trì công việc hơn và có tới 70% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bị mất khả năng lao động trong vòng 5-10 năm kể từ khi có triệu chứng khởi đầu. Việc chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh cơ xương khớp có thể làm giảm đáng kể tình trạng tàn phế và tình trạng vắng mặt tại nơi làm việc.
Biểu hiện của bệnh cơ xương khớp đa dạng và phong phú, với các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến và thường gặp bao gồm:
– Đau: đau có thể xuất hiện tại khớp hoặc ngoài khớp, có thể đau lan tỏa, toàn thân.
– Mất hay hạn chế vận động: ở một khớp hoặc nhiều khớp.
– Viêm: với biểu hiện sưng, nóng, đỏ ở khớp hoặc vùng bị ảnh hưởng.
Trong nhiều trường hợp có thể chỉ có đau mà không có biểu hiện sưng khớp hay hạn chế vận động của khớp hoặc có sưng khớp nhưng không có biểu hiện nóng, đỏ kèm theo.
Những bệnh cơ xương khớp phổ biến bao gồm:
– Thoái hóa khớp
– Viêm khớp dạng thấp
– Lupus, lupus ban đỏ hệ thống
– Bệnh lý cột sống – viêm cột sống dính khớp và viêm khớp vẩy nến
– Viêm đa cơ, viêm da cơ
– Hội chứng Sjogren
– Xơ cứng bì
– Bệnh gút (gout)
– Viêm khớp nhiễm khuẩn
– Viêm khớp tự phát thiếu niên
Nguyên nhân gây bệnh cơ xương khớp khớp:
Hầu hết các bệnh cơ xương khớp xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động kém và tấn công các mô của chính bạn. Cho đến nay, nhiều bệnh cơ xương khớp chưa được các bác sĩ xác định chắc chắn nguyên nhân gây bệnh. Đôi khi, nguyên nhân có thể nằm trong gen (cấu trúc di truyền) của bạn. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân có thể do các yếu tố môi trường xung quanh bạn như khói thuốc lá, ô nhiễm hoặc căn nguyên gây nhiễm trùng. Tuổi cũng là một yếu tố quan trọng liên quan đến việc xuất hiện các bệnh cơ xương khớp. Giới tính cũng đóng một vai trò đáng kể vì một số bệnh cơ xương khớp dường như ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp (bác sĩ thấp khớp học) là những người được đào tạo chuyên sâu và có nhiệm vụ khám, điều trị các bệnh cơ xương khớp. Điều trị bệnh cơ xương khớp sẽ bao gồm việc khám để chẩn đoán tình trạng bệnh của bạn, làm các xét nghiệm cần thiết, điều trị và theo dõi điều trị cho bạn. các biện pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc, tập thể dục phù hợp, chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát căng thẳng và nghỉ ngơi.