Bệnh Gút (Gout)

Chẩn đoán

Các bác sĩ thường chẩn đoán bệnh gút dựa trên các triệu chứng của bạn và sự xuất hiện triệu chứng ở khớp bị ảnh hưởng. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh gút có thể bao gồm:

Xét nghiệm dịch khớp: Bác sĩ có thể sử dụng kim để hút dịch khớp từ khớp bị viêm của bạn. Tinh thể urat có thể nhìn thấy được khi dịch khớp được kiểm tra dưới kính hiển vi.

Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể cho xét nghiệm máu để đo nồng độ axit uric trong máu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu có thể gây nhầm lẫn. Một số người có nồng độ axit uric cao nhưng không bao giờ bị bệnh gút trong khi một số người có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút, nhưng không có nồng độ axit uric trong máu tăng lên.

Chụp phim X-quang: Chụp X-quang khớp có thể có giá trị để loại trừ các nguyên nhân gây viêm khớp khác.

Siêu âm cơ xương khớp: Thăm dò này sử dụng sóng âm thanh để phát hiện các tinh thể urate trong khớp hoặc trong hạt tophi.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) năng lượng kép (DECT). Xét nghiệm này kết hợp hình ảnh X-quang được chụp từ mức năng lượng khác nhau để phát hiện tinh thể urat trong khớp hoặc vùng tổn thương.

Điều trị

Thuốc điều trị bệnh gút có hai nhóm và nhắm vào hai mục tiêu khác nhau. Nhóm thứ nhất giúp giảm viêm và đau liên quan đến các cơn gút. Nhóm thứ hai có tác dụng ngăn ngừa các biến chứng của bệnh gút bằng cách hạ thấp lượng axit uric trong máu.

Loại thuốc nào phù hợp với bạn tùy thuộc vào tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, cùng với các vấn đề sức khỏe khác mà bạn có thể gặp phải.

Thuốc điều trị các cơn gút

Các loại thuốc dùng để điều trị các đợt bùng phát bệnh gút và ngăn ngừa các đợt tái phát trong tương lai bao gồm:

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID bao gồm các loại thuốc không kê đơn như ibuprofen và naproxen, cũng như các NSAID cần kê đơn, có tác dụng mạnh hơn như indomethacin  hoặc celecoxib. NSAID có nguy cơ gây đau dạ dày, chảy máu và loét.

Colchicine: Bác sĩ có thể kê đơn colchicine, một loại thuốc chống viêm giúp giảm đau do bệnh gút một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc có thể bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Corticosteroid: Thuốc corticosteroid, ví dụ như prednisone, có thể kiểm soát tình trạng viêm và đau do bệnh gút. Corticosteroid có thể ở dạng thuốc viên hoặc có thể được tiêm vào khớp của bạn. Tác dụng phụ của corticosteroid có nhiều, có thể bao gồm gây rối loạn tâm thần, tăng lượng đường trong máu và tăng huyết áp… Do đó bạn không nên tự dùng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ.

Thuốc ngăn ngừa biến chứng bệnh gút

Nếu bạn bị một số cơn gút mỗi năm hoặc nếu các cơn gút của bạn không thường xuyên nhưng đặc biệt đau đớn, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc dùng thuốc để giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh gút. Nếu bạn đã có bằng chứng về tổn thương do bệnh gút trên phim chụp X-quang khớp hoặc bạn bị tophi, bệnh thận mãn tính hoặc sỏi thận, bạn có thể nên dùng thuốc để giảm axit uric trong cơ thể.

Thuốc ngăn chặn tổng hợp axit uric: Các loại thuốc như allopurinol và febuxostat giúp hạn chế lượng axit uric mà cơ thể bạn tạo ra. Tác dụng phụ của allopurinol bao gồm sốt, phát ban, viêm gan và các vấn đề về thận. Tác dụng phụ của Febuxostat bao gồm phát ban, buồn nôn và giảm chức năng gan. Febuxostat cũng có thể làm tăng nguy cơ tử vong liên quan đến tim.

Thuốc tăng đào thải axit uric: Các loại thuốc như probenecid giúp cải thiện khả năng đào thải axit uric khỏi cơ thể của thận. Tác dụng phụ bao gồm phát ban, đau dạ dày và sỏi thận.

Lối sống và biện pháp điều trị tại nhà

Thuốc thường là cách hiệu quả nhất để điều trị các cơn gút và ngăn ngừa các triệu chứng bệnh tái phát. Tuy nhiên, điều chỉnh lối sống cũng rất quan trọng và bạn có thể làm như sau:

Chọn đồ uống lành mạnh hơn: Hạn chế đồ uống có cồn và đồ uống có đường trái cây (fructose). Thay vào đó, hãy uống nhiều đồ uống không cồn, đặc biệt là nước.

Tránh thực phẩm chứa nhiều purin: Thịt đỏ và nội tạng, chẳng hạn như gan, đặc biệt có hàm lượng purin cao. Hải sản giàu purine bao gồm cá cơm, cá mòi, trai, sò điệp, cá hồi và cá ngừ. Các sản phẩm từ sữa ít béo có thể là nguồn cung cấp protein tốt hơn cho những người dễ bị bệnh gút.

Tập thể dục thường xuyên và giảm cân: Giữ cơ thể ở mức cân nặng khỏe mạnh sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Chọn các hoạt động ít tác động như đi bộ, đi xe đạp và bơi lội – những hoạt động này phù hợp hơn cho khớp bị bệnh của bạn.

Viết một bình luận